Viêm tuyến lệ là gì ? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa

Cấu tạo lệ bộ

Cấu tạo của lệ bộ. Tuyến lệ chính ở vị trí (a) trong hình.

Các tuyến lệ là các tuyến ngoại tiết của cơ thể, có nhiệm vụ hình thành lớp phim nước mắt trước giác mạc. Bao gồm 2 thành phần:

- Tuyến lệ chính: nằm ở góc trên ngoài của hốc mắt trước, gồm 2 phần là phần mi mắt và phần hốc mắt.

- Và các tuyến lệ phụ: như tuyến Moll, Wolfring, Krause ở phần mi trên, dọc góc ngoài cùng đồ trên kết mạc.

Viêm tuyến lệ là gì ?

Viêm tuyến lệ là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính của tuyến lệ, có thể biểu hiện ở một hoặc hai mắt do nhiễm trùng, do phản ứng viêm vô trùng hoặc không rõ nguyên nhân (vô căn).

Nguyên nhân của viêm tuyến lệ là gì ?

Viêm tuyến lệ cấp: thường do nhiễm trùng và hay biểu hiện ở một mắt.

- Viêm tuyến lệ cấp không mủ: hay gặp do virus, xảy ra ở trẻ em và người trẻ, chủ yếu do virus Epstein-Barr, ngoài ra có thể do Adenovirus, quai bị, Herpes simplex và Herpes zoster.
- Viêm tuyến lệ cấp kèm mủ: chủ yếu do vi khuẩn, chủng vi khuẩn gây bệnh thường gặp là Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng), ngoài ra có thể do Streptococcus pneumoniae (Phế cầu) và trực khuẩn Gram âm.

- Đôi khi vài trường hợp hiếm gặp do nấm như Histoplasma, Blastomyces hoặc Norcadia. Hiếm gặp hơn nữa là tình trạng viêm tuyến lệ nhiễm trùng tiến triển mạn tính do vi khuẩn lao gây ra.

Viêm tuyến lệ mạn: chủ yếu liên quan đến phản ứng viêm vô trùng, hay đi kèm với bệnh lý miễn dịch hệ thống như Hội chứng Sjogren, Sarcoidosis, bệnh Crohn và bệnh u hạt với viêm đa mạch. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân gây bệnh (vô căn).

Triệu chứng của viêm tuyến lệ là gì ?

Đối với viêm tuyến lệ cấp: hay xảy ra ở trẻ em và người trẻ, thường ở một mắt với triệu chứng đau, đỏ và sưng nề da mi phía thái dương trên của hốc mắt. Tuyến lệ phì đại làm sụp mi góc ngoài gây biến dạng bờ mi hình chữ S kèm tiết mủ từ ống tuyến lệ, phù kết mạc, nổi hạch cổ và hạch trước tai, đôi khi có sốt và mệt mỏi.

Viêm tuyến lệ cấp

Viêm tuyến lệ cấp thường xảy ra ở trẻ em hay người trẻ ở một mắt

Đối với viêm tuyến lệ mạn: hay biểu hiện dạng bán cấp, xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ khi kèm theo bệnh lý miễn dịch hệ thống. Tuyến lệ thường thấy phì đại, không đau và có thể xảy ra ở hai mắt.

Viêm tuyến lệ mạn

Viêm tuyến lệ mạn thường kèm bệnh lý miễn dịch hệ thống, có thể xảy ra ở hai mắt

Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán viêm tuyến lệ ?

Viêm tuyến lệ cấp thường không cần sinh thiết hoặc các xét nghiệm đánh giá tổng quát. Tuy nhiên, khi biểu hiện không điển hình hoặc khi bệnh không đáp ứng điều trị cần xem xét chỉ định xét nghiệm.

Trường hợp viêm tuyến lệ tái phát ở người lớn tuổi, ở hai mắt và có triệu chứng toàn thân, có thể gợi ý bệnh lý ác tính hoặc bệnh lý miễn dịch hệ thống, bắt buộc phải làm các xét nghiệm kèm theo:

- Xét nghiệm máu: công thức máu, kháng thể kháng nhân (ANA), kháng thể kháng bào tương bạch cầu hạt (ANCA), enzym chuyển hóa angiotensin trong sarcoidosis. Tìm kháng thể kháng Ro và La trong trường hợp nghi ngờ Sjogren, tuy nhiên hiệu giá thấp.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hình ảnh tuyến lệ phì đại lan tỏa theo chiều ngang. Viêm tuyến lệ cấp có thể kèm theo hình ảnh viêm cơ trực ngoài kế cận, viêm thượng củng mạc hoặc viêm củng mạc.
- Sinh thiết tuyến lệ: trong trường hợp viêm tuyến lệ không điển hình, không rõ nguyên nhân hoặc khi không đáp ứng với điều trị. Nghiên cứu cho thấy 61.7% có hình ảnh mô bệnh học đặc hiệu và 38% liên quan đến bệnh lý toàn thân. Việc sử dụng steroids làm thay đổi diễn giải mô bệnh học nên cần tránh dùng steroids toàn thân trước khi sinh thiết nếu có thể.

Điều trị viêm tuyến lệ như thế nào ?

Viêm tuyến lệ cần đến khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa mắt. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ yêu cầu những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh lý khác như U tuyến lệ, bệnh lý mắt liên quan tuyến giáp hay các tình trạng nhiễm trùng khác gây sưng đỏ quanh hốc mắt kèm đau như: viêm mô tế bào, viêm tổ chức hốc mắt, lẹo hoặc chắp,...

Viêm tuyến lệ cấp do virus: thường tự giới hạn sau 4 đến 6 tuần, không cần điều trị kháng sinh uống, có thể điều trị hỗ trợ với thuốc kháng viêm NSAIDS, nước mắt nhân tạo.

Viêm tuyến lệ cấp do vi khuẩn: cần điều trị kháng sinh đường toàn thân. Khi viêm tuyến lệ có mủ, có thể lấy dịch mủ để nuôi cấy và làm kháng sinh đồ. Khi hình thành áp xe tuyến lệ, có thể làm phẫu thuật dẫn lưu.

Viêm tuyến lệ mạn: cần điều trị bệnh lý miễn dịch hệ thống đi kèm. Viêm tuyến lệ vô căn có thể sử dụng corticoids. Các trường hợp kháng trị có thể điều trị xạ trị hốc mắt, MTX hoặc MabThera.

Trường hợp đáp ứng với điều trị nhưng tuyến lệ phì đại không xẹp hoàn toàn sau 3 tháng sẽ cần sinh thiết tuyến lệ kết hợp chẩn đoán hình ảnh.

Phòng ngừa viêm tuyến lệ như thế nào ?

Viêm tuyến lệ nhiễm trùng thường cần điều trị kháng sinh nhưng đa số khỏi hoàn toàn nên người bệnh cần đi khám sớm và điều trị đầy đủ.

Viêm tuyến lệ liên quan đến bệnh lý miễn dịch hệ thống cần phối hợp điều trị với bác sĩ cơ xương khớp và bác sĩ nội khoa để đạt hiệu quả và hạn chế tái phát.

BỆNH VIỆN MẮT HỒNG SƠN

Tài liệu tham khảo:

1. Luemsamran P, Rootman J, White VA, Nassiri N, Heran MKS. The role of biopsy in lacrimal gland inflammation: A clinicopathologic study. Orbit. 2017 Dec;36(6):411-418. doi: 10.1080/01676830.2017.1352608. Epub 2017 Aug 17. Erratum in: Orbit. 2018 Apr;37(2):158. PMID: 28816552.

2. Andrew NH, Kearney D, et al. Idiopathic Dacryoadenitis: Clinical Features, Histopathology, and Treatment Outcomes. Am J Opthalmol. 2016 Mar;163:148-153.el.

3. Gao Y, Moonis G, et al. Lachrymal gland masses. AJR Am J Roentgenol. 2013 Sep;201(3):W371-81.

4. Rhem MN, Wilhemus KR, et al. Epstein-Barr virus dacryoadenitis. Am J Opthalmol. 2000 Mar;129(3):372-5.

5. Palamar M, Ozsan N, Sahin F. Bilateral Lacrimal Gland Lymphoma in Sjögren Syndrome. Case Rep Ophthalmol Med. 2016;2016:2798304. doi: 10.1155/2016/2798304. Epub 2016 Sep 21. PMID: 27738539; PMCID: PMC5050356.

 

 

 

Chia sẻ