Mặc dù hiện nay chưa tổ chức điều trị nội trú (không có bệnh nhân ở lại qua đêm), nhưng Bệnh viện mắt Hồng Sơn luôn chủ động trong công tác phòng chống cháy nổ.
Hướng dẫn sử dụng các phương tiện chữa cháy
Nằm ngay sát mặt đường Giải Phóng, thuộc địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), Bệnh viện mắt Hồng Sơn hoạt động trong một tòa nhà cao 6 tầng, diện tích mỗi sàn 160m2, ngoài việc di chuyển bằng thang máy còn có cầu thang bộ thoát hiểm.
Chủ động phòng chống cháy nổ, Bệnh viện đã trang bị hệ thống báo động khi có khói. Vòi nước cứu hỏa được trang bị ở các tầng, sẵn sàng đấu nối vào các họng nước được kết nối với bể chứa ngầm có dung tích 20m3 nước. Ngoài ra, tại mỗi tầng đều có bình cứu hỏa. Cửa ra vào các tầng đều là cửa chống cháy.
Thực hành thao tác lắp ống nước vào họng nước
Bệnh viện cũng thành lập được đội phòng cháy chữa cháy gồm 15 người, trong đó có 5 người làm nòng cốt, được trang bị mũ, mặt nạ chống độc, ủng, kìm, búa, rìu, bộ đàm và đèn pin.
Ngoài việc cử lực lượng trong đội phòng cháy chữa cháy tham gia những buổi tập huấn của Thành phố Hà Nội và quận Hoàng Mai, Bệnh viện mắt Hồng Sơn còn mời giảng viên của Đại học Phòng cháy chữa cháy về tận nơi huấn luyện cho cán bộ, nhân viên các kỹ năng phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Buổi huấn luyện ngày 01/12/2023 là một ví dụ.
Kiểm tra tình trạng hoạt động của chuông báo cháy
Đại úy Vương Văn Khôi- Giảng viên trường ĐH PCCC hướng dẫn chữa cháy nếu có hỏa hoạn xảy ra
Bác sĩ Võ Văn Phi, Giám đốc Bệnh viện mắt Hồng Sơn cho biết: Được cấp phép khám chữa bệnh 24/7 nhưng đến nay, Bệnh viện chưa tổ chức điều trị nội trú (không có bệnh nhân ở lại qua đêm) nên công tác phòng chống cháy nổ khá thuận lợi.
“Việc tổ chức lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, nhân viên, nhất là lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ của Bệnh viện là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, nhằm trang bị cho các cán bộ, nhân viên những kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; Kỹ năng xử lý đám cháy của lực lượng tại chỗ; Kỹ năng sử dụng các phương tiện được trang bị tại cơ sở phục vụ cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ", Bác sĩ Võ Văn Phi chia sẻ.
Bác sĩ Võ Văn Phi- Giám đốc Bệnh viện mắt Hồng Sơn
Theo ông Nguyễn Bá Chính, thành viên đội phòng cháy, chữa cháy của Bệnh viện mắt Hồng Sơn, hàng ngày, kể cả ban đêm, các thành viên nòng cốt trong đội đều đi kiểm tra tại các tầng của tòa nhà để có thể phát hiện những nguy cơ, kịp thời phòng ngừa cháy nổ có thể xảy ra.
Tham gia lớp huấn luyện, ông Chính và các thành viên trong đội được Đại úy Vương Văn Khôi- Giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy trao đổi những điều cần lưu ý từ những vụ hỏa hoạn diễn ra gần đây, đồng thời được hướng dẫn sử dụng thành thục hơn các phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
“Thông qua các buổi huấn luyện như thế này, các cán bộ, nhân viên của bệnh viện được nâng cao hơn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ góp phần đảm bảo an toàn cho người và tài sản, nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu cháy nổ, sự cố tai nạn có thể xảy ra tại Bệnh viện cũng như tại gia đình mình", ông Nguyễn Bá Chính cho biết thêm.
Tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy- cứu hộ cứu nạn cho cán bộ nhân viên Bệnh viện mắt Hồng Sơn
Được nhận giải thưởng Top 20 Thương hiệu xuất sắc toàn cầu 2023 do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Châu Á, Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức trao tặng ngày 23/07/2023, Bệnh viện mắt Hồng Sơn đang phấn đấu giữ vững thương hiệu về chuyên môn, tiếp tục làm hài lòng của người bệnh và chủ động đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ./.
Trích nguồn: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/benh-vien-mat-hong-son-chu-dong-phong-chong-chay-no-d36655.html
https://daibieunhandan.vn/doi-song/bao-dam-an-toan-phong-chua-chay-cao-nhat-tai-co-so-y-te--i352301
https://baophapluat.vn/co-so-y-te-chu-dong-dam-bao-an-toan-cong-tac-phong-chay-post497406.html
https://congly.vn/bao-dam-an-toan-pccc-cao-nhat-tai-co-so-y-te-407887.html
Chia sẻ